Văn hóa nghệ thuật

Bộ Sưu Tập Thư Nhàn Của Nghệ Sĩ Lê Phi Long 2024

Bộ Sưu Tập Thư Nhàn Của Nghệ Sĩ Lê Phi Long 2024

Thông tin từ ban tổ chức:

Khai mạc: 18:30 – 20:30, thứ Bảy 16/03/2024

Triển lãm: 18/03 – 06/04/2024

Vin Gallery, 35/8 Nguyễn Văn Đậu, Phường 6, Bình Thạnh, TP HCM

Link đăng ký khai mạc

Vin Gallery hân hạnh giới thiệu bộ sưu tập “thư nhàn” của nghệ sĩ Lê Phi Long, hoàn thiện hình thức từ năm 2020 đến nay. Đây là bộ tác phẩm cá nhân với chất liệu acrylic trên canvas, gỗ thông và giấy, nổi bật với màu lapis lazuli (xanh lưu ly) phối cùng lá kim loại. Bộ sưu tập mới này là phần mở rộng của dự án “Đông Dương Lãng Du”, được khởi xướng vào năm 2016, lấy cảm hứng từ sứ mệnh lịch sử và hiện đại của Hội thừa sai Paris ở phương Đông cũng như nguồn cảm hứng từ đức tin Công giáo của nghệ sĩ. Tác phẩm của Lê Phi Long sáng tác trên nền “thư nhàn”, một khái niệm về sự thư giãn và bình tâm, là vốn quý trong bối cảnh văn hóa tôn giáo trong thế giới đổi thay cuồng nhiệt hiện thời.

Trong bộ sưu tập “thư nhàn”, Phi Long đơn giản hóa hình thức nghệ thuật của mình, tập trung vào việc khám phá ý tứ từ màu lapis lazuli và sử dụng kim loại, đan xen với những trải nghiệm cá nhân của nghệ sĩ về tinh thần. Trong cảm hứng với Kitô giáo và học hiểu về năng lượng, anh ấy một lần nữa nhấn mạnh sự “định-chọn” ban đầu trong quy trình niềm tin cấu thành vật chất. Bộ sưu tập mở ra hoàn thiện trên ý tưởng về “thái độ nền” trong các tác phẩm của anh, xuyên suốt các trưng bày từ năm 2020, từ Pháp đến Việt Nam. Phi Long mời gọi người xem trải nghiệm cảm giác thư thả khi nằm trên thảm cỏ nơi rừng thông, mơ mộng với bầu trời xanh, rộng ra trên địa lý và quay về thân tâm sâu rộng. “thư nhàn” tượng trưng cho một thời điểm then chốt trong quá trình thực hành nghệ thuật của anh, đánh dấu sự gắn kết sâu sắc hơn của người nghệ sĩ với những yếu tố thiết yếu trong sự tồn tại, cách ứng xử với lẽ sinh tồn cập nhật.

Về thư nhàn

“thư nhàn” tại Vin Gallery, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam năm 2024. Mở rộng từ dự án “Đông Dương Lãng Du” năm 2016 của Lê Phi Long, bộ sưu tập này gồm các tác phẩm acrylic, tranh giấy, gỗ thông trên màu xanh lapis lazuli phối với lá kim loại, cùng với một tập zine “until the end of time” giới thiệu nguồn cảm hứng Kitô giáo của nghệ sĩ Lê Phi Long dẫn đến tiêu đề của bộ sưu tập.

Với dự án “Đông Dương Lãng Du”, trên nền kiến thức địa lý và lịch sử, nghệ sỹ tìm hiểu các lưu trữ về Việt Nam, Campuchia, và Pháp, rút ra những kinh nghiệm cá nhân khởi đầu từ Đà Lạt. Trong thời gian cách ly tại Paris năm 2020, anh đã tìm thấy sự bình yên và thấu cảm trong khi ngồi cầu nguyện tại thánh đường Église Saint-Paul-Saint-Louis hàng tuần, cộng hưởng với khái niệm “The End of Time”. Trong khái niệm này, như hình dung về “The End of Time” của Julian Barbour, thưởng ngoạn một vũ trụ ảo ảnh phi không gian và thời gian. Tương tự, Lê Phi Long cũng tìm thấy diễn giải về ý niệm này trong sách “The Power of Now” (Sức mạnh của hiện tại) của Eckhart Tolle, giảng rõ sự nhận thức về hiện tại vĩnh cửu nằm ngoài giới hạn của thời gian và không gian. Ngoài ra, nghệ sĩ cũng suy tư về chương “cảm giác học siêu nghiệm” trong triết học của Kant, truy vấn cấu trúc của thời gian và không gian, dấn thân vào những trải nghiệm sâu sắc. Thông qua những ràng buộc triết học này, Phi Long không chỉ đặt bản thân vào vị trí của một người làm sáng tạo, mà còn là vị trí của một người được/bị quan sát.

Với Mão gai Thiên Chúa, Phi Long nghĩ nhiều về câu nói của Chúa Jêsus “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” – Lòng thương xót Chúa (23). Mão gai – những chiếc gai bện quấn quanh đầu rướm máu của Chúa nhắc nhở về sự sỉ nhục và hoài nghi mà “Vua trên muôn vua” đã trải qua để cứu chuộc loài người. Câu nói gợi suy tư về tình yêu độ lượng, lòng trắc ẩn và đức nhẫn chịu trong sự nhận biết thế giới là một Nhất Thể. Ngược dòng lịch sử 2000 năm đến nay, Mão gai thánh tích lưu tại Nhà thờ Đức Bà Paris được cho là một trong số mẫu hiếm hoi còn lại. Vậy nên, trong bộ sưu tập lần này, Phi Long cũng vẽ nhiều “Hic Domus Est Dei” no.5, là các mẫu ghi chép về Mão gai và sự tưởng tượng của anh bằng các nét vẽ chì tỉ mỉ. “thư nhàn” cùng lòng trắc ẩn, sự thương xót, là điều không dễ có được trong một trái tim nhỏ bé vốn chưa được luyện tập, và sự trưởng thành bận rộn của con người đương thời. Các tác phẩm này như một không gian để tâm trí neo bám, thong thả với thực tại, mà từ đó suy tư về “thư nhàn”.

Các bức vẽ chì “Mão gai Thiên chúa” tương phản với tuyến tính của “thời gian”, người nghệ sĩ sử dụng chất liệu than chì – cacbon hóa thạch triệu năm trên nền gỗ thông tự nhiên trẻ tuổi. Mỗi bức là tập hợp của hàng vạn nét chì có ý thức, chính xác của lý tính, tuôn chảy trên ngẫu hứng. Đường nét mô phỏng tự nhiên nương theo vân gỗ, sự hoàn mỹ trong cấu trúc của gỗ thông – thứ gỗ tạo nên tin thần Đà Lạt. Phi Long đã có hàng trăm ký họa về gỗ thông từ năm 2016. Các tác phẩm trên gỗ này cũng là minh chứng để kiểm tra hành trình về ý định tạo ra vật chất – ở đây là tác phẩm nghệ thuật. Đây là một công việc thư thái và trung thực, nó như một hành động mang tính nghi lễ diễn ra trong sự thư giãn.

Zine “until the end of time” tập hợp những trải nghiệm trực-tiếp nhận-biết riêng từ nghệ sĩ lưu lại trên những đoạn thơ văn trong ghi chú cá nhân, và những phác hoạ, ký hoạ trích lại từ các cuốn sổ tay của nghệ sĩ. Nội dung bám sát hành trình dự án Đông Dương Lãng Du, dựa trên các sự kiện lịch sử truyền giáo của Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) tại Đông Dương cùng Cha Alexandre de Rhodes từ năm 1659. Nối tiếp chuỗi trưng bày cá nhân “Land of Leisure” năm 2018 tại Manzi Hà Nội, là tác phẩm “DALAT” tiếng Latin là “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem”, có nghĩa là “cho người này niềm vui, cho người khác sự mát lành”, cùng với bộ tác phẩm “Săn bắn như một ẩn dụ quyền lực chính trị”, xem xét về địa chính trị, về công giáo cùng với chính sách thuộc địa ăn sâu, bản địa hóa vào đời sống cư dân địa phương. Trong bộ tác phẩm trên, Phi Long đề cập đến các lớp lịch sử phức tạp đi bên cạnh tinh hoa chủ nghĩa anh hùng, giấc mơ khai minh cao thượng từng diễn ra trên thượng ngàn Lâm Viên, khiến Đà Lạt từ một xứ sở của thư giãn -nghỉ ngơi dần trở thành thủ phủ của những âm mưu thâm viễn bi hùng.

Bộ tác phẩm lần này có tựa đề “thư nhàn”, nghiêng về khái niệm của sự thư thái như một đặc quyền, hay khái niệm của sự-thực-biết-nghỉ-ngơi, khái niệm ngày càng trở nên xa lạ hơn trong thế giới hối hả nhộn nhịp ngày nay. Theo dòng lịch sử, “thư nhàn” là thú vui của tầng lớp quý tộc châu Âu vào giữa Thế kỷ 19, có nguồn gốc từ Vương quốc Anh và thể hiện qua các hoạt động giải trí như thể thao, săn bắn, thống trị chính trị và chinh phục thế giới. Cho đến hiện tại, cách diễn giải này ngoài nội hàm ở trên, đã mở rộng sang khát khao của đại chúng trong chủ nghĩa tiêu dùng và những thú vui khác từ khắp nơi thế giới. Với tính dự phóng, bộ tác phẩm nhận cảm hứng từ “The Third Paradise” của Michelangelo Pistoletto, một mường tượng về giai đoạn thứ ba của nhân loại, là sự pha trộn hài hòa giữa nhân tạo và tự nhiên, tượng trưng cho việc theo đuổi trách nhiệm toàn cầu và nỗ lực vượt qua các ranh giới của con người hiện tại.

Trong những tác phẩm sử dụng màu lam lapis lazuli, với Phi Long đó là sắc lam của sự kiên định và trung thành, mang ý nghĩa thanh nhã. Màu sắc này từng được tôn sùng trong thời Phục Hưng, được các họa sĩ dùng trong mô tả trang phục của Đức Trinh Nữ Maria. Vượt ra khỏi những ranh giới quang phổ, nghệ sĩ mời gọi người xem chiêm nghiệm sâu sắc về ý nghĩa cũng như chính bản thân sắc màu này. Mỗi bức tranh bao gồm các sắc thái xanh được xếp lớp tỉ mỉ, gợi lên cấu trúc phân tầng và đa diện của thế giới tự nhiên, bao gồm đất, đá, chất hữu cơ và các thành phần thô. Phi Long sử dụng kỹ thuật sáng tác đặc thù, quan sát và mô phỏng màu lam lapis lazuli, điểm xuyết thêm ánh kim trong thành phần của đá lưu ly, kết hợp cùng sắc độ trắng của tinh thể calcite, màu xanh lam của đá sodalite và ánh vàng lấp lánh của pyrite. Việc phối hợp các sắc độ và ánh kim để tăng cường kết cấu cũng như khiến cho độ sáng thay đổi theo không gian đã trở thành phương pháp thực hành nghệ thuật đặc trưng của Long từ năm 2010.

Kỹ thuật của anh – đa sắc độ, những tổ hợp chấm, nét và các lớp màu với sự chuyển tiếp mượt mà – để mô phỏng các không gian xa thẳm trên nền trời. Bên cạnh đó là sự diễn thô, sức nặng của vật chất trên nền tranh tựa như bụi mờ đất đá, đan xen cùng các lớp dung môi chồng phủ, gợi nên cảm giác da thịt và tầng lớp hấp dẫn anh suốt những năm 2021-2022 . Tác phẩm của Phi Long không chỉ đơn thuần là những hình ảnh thị giác, mà chúng còn đề cập đến phương thức sắp đặt, các tín hiệu trên bình diện 2 chiều và đa diện. Mặt phẳng tranh với ánh kim theo thời gian và không gian mà thay đổi sắc độ, mang đến cho người thưởng lãm những cảm giác thú vị, những tự nghiệm riêng tư độc đáo.

Nghệ sĩ tin rằng trời đất và các sự kiện biết rõ hơn chúng ta. Để linh hồn và thể xác song hành cùng nhau, chúng ta may mắn đủ thời gian để thấy được thế giới kỳ diệu ngay tại đó – dưới khả năng sống thường nhật vốn kém cỏi, để biết kính ngưỡng những sự tầm thường, dưới lớp cội rễ như ông bà cha mẹ, dòng họ, quốc gia, vật chất hành tinh này – trong một vài nang thời gian. Vầy mà đủ hy vọng để điều chỉnh, để thực giản dị chân tình.

Về Lê Phi Long

Lê Phi Long (sn.1988) là một nghệ sĩ thị giác sống và làm việc giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt, Việt Nam. Thực hành của anh bao gồm hội họa, site-specific art (nghệ thuật sắp đặt đặc thù địa điểm) và conceptual object (đồ vật ý niệm). Hoạt động thực tiễn của anh dựa trên những lập luận và ám ảnh về sinh tồn cập nhật. Long sáng tác trên nền kiến thức lịch sử và địa lý, sự can thiệp vào quá trình chuyển đổi văn hóa và những ảnh hưởng trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ của anh.

Giữa các hoạt động đa ngành để nhận thức thế giới và sự đúng đắn của lẽ tồn tại, thông qua địa lý, lịch sử và tôn giáo, Long so sánh các tài liệu trong nước và quốc tế để hoàn thiện thực hành nghệ thuật của mình. Từ năm 2016, Long tập trung vào dự án Đông Dương Lãng Du, nghiên cứu các kho lưu trữ Đông Dương thuộc Pháp (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) để giải thích tính bản địa hoá các văn hoá (ngoại lai / nhập cư / di cư) biểu hiện ở Việt Nam hiện đại. Sau năm 2020, các thực hành nghệ thuật của Long lập luận sâu sắc hơn với một thái độ cụ thể về năng lượng sống và nhận thức thế giới.

Phi Long cũng là đồng sáng lập Trung tâm nghệ thuật lưu trú nghệ sĩ eNAME tại Hà Nội (2012) và MOIland (Lamvien Art Project, một trung tâm nghệ thuật tại Đà Lạt (2017-2020). Anh đã tham gia lưu trú tại Sàn Art ở Việt Nam (2013), Bamboo Curtain Studio ở Đài Loan (2015), Asian highway tại Hàn Quốc (2018) và Cité Internationale des Arts ở Paris (2020). Anh đã trưng bày và tham gia các chương trình tại Anh, Mỹ, Bỉ, Singapore, Bồ Đào Nha, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Về Vin Gallery

Tọa lạc tại thành phố Hồ Chí Minh, Vin Gallery đồng thời tích cực tham gia các hội chợ nghệ thuật khắp Châu Á, nhằm thúc đẩy sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Chúng tôi mong muốn đưa các nghệ sĩ chuyên nghiệp đến TP.HCM để chia sẻ tác phẩm của họ với thị trường nghệ thuật trong nước, đồng thời nỗ lực tìm kiếm và quảng bá các nghệ sĩ Đông Nam Á có triển vọng đến với mạng lưới nghệ thuật quốc tế. Các nghệ sĩ của chúng tôi đến từ các nền văn hóa và nền giáo dục nghệ thuật đa dạng, họ sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau và có kinh nghiệm thực hành nghệ thuật phong phú. Họ mang trong mình những khái niệm nghệ thuật mạnh mẽ và tầm nhìn đầy thách thức, được hiện thực hóa dưới các hình thức liên tục phát triển mà chúng tôi cố gắng thúc đẩy, bằng cách kiến tạo mối quan hệ hợp tác tích cực với các không gian nghệ thuật khác ở khắp châu Á và toàn thế giới.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

Tin tức liên quan

Các tin tức cùng chuyên mục